Sình ca của người Cao Lan Sình ca

Sình ca hay sịnh ca Cao Lan hay Dân ca Cao Lan là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của người Cao Lan ở một số địa phương thuộc tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang... Sình ca Cao Lan không chỉ là những bài hát giao duyên của trai gái, mà còn là những bài hát ca ngợi sản xuất, hát "phụng" Thổ công và Thần Nông, hát mừng nhà mới, hát ru con, hát đố, hát ghẹo… Qua đó, người Cao Lan gửi gắm những tâm tư, tình cảm với nhau, những ước mơ, nguyện vọng của người lao động với thiên nhiên và thần linh…[5]

Phần lời của dân ca Cao Lan thường là những bài thơ theo thể thất ngôn tứ tuyệt (bốn câu thành một bài, mỗi câu 7 chữ). Một số trường hợp câu thứ nhất chỉ có 3 hay 4 chữ, nên 4 câu chỉ có 24 đến 25 chữ, khi đó người hát phải dùng lời láy để ngân nga. Bố cục của một cụm ca thường gồm hai bài, đôi khi chỉ có một bài hoặc nhiều bài. Tuy vậy, trong mỗi cụm ca thường có phần đầu giống nhau, diễn tả về một sự việc, câu hỏi, lời chào, còn phần giữa và phần kết lại có nội dung khác nhau.[5]

Dân ca Cao Lan bao gồm các thể loại:[5]

  • Sịnh ca Thsăn lèn (mừng năm mới): là những bài hát để mừng năm mới, chúc tụng nhau đủ đầy, hạnh phúc, nhà nhà vui vẻ.
  • Sịnh ca Thsao bạo (đối giao duyên): là những bài hát phổ biến nhất và được nhiều người Cao Lan ưa thích. Nội dung những bài ca này thường là mượn cảnh thiên nhiên để trao đổi, tâm tình với nhau, hỏi thăm gia cảnh của nhau. Họ mượn lời hát để gửi gắm yêu thương, nhớ nhung hay trách móc, giận hờn để sau cuộc hát lại gần nhau hơn.
  • Sịnh ca Kên láu (hát đám cưới): là thể loại hát vui nhộn và phong phú về số lượng bài. Thường khi đến nhà gái, đoàn đón dâu của nhà trai phải hát thì nhà gái mới cho vào nhà. Từ khi đi đón dâu đến lúc đưa dâu về nhà chồng, phải trải qua ít nhất hai đêm hát.
  • Sịnh ca Tò tan (hát đố): gồm những bài hát được truyền lại và một số bài mới do người Cao Lan sáng tạo ra hàng ngày để đố nhau rồi tự giải nghĩa. Đây cũng thuộc loại hát vui, đầy tính sáng tạo ngẫu hứng, đòi hỏi người hát phải thuộc những bài cổ để trên cơ sở đó sáng tạo những bài mới.

Dân ca Cao Lan được hát ở hầu khắp mọi nơi, như trong nhà, ngoài đường, ở chợ, trên đồi, trong rừng hay trên nương rẫy… Nếu như có bạn hát là người làng khác đến chơi thì chủ cũng hát trước, khách hát sau. Đó là những bài hát hỏi thăm gia cảnh, gia đình, quê hương… Đối với hát làm quen, giao duyên, địa điểm hát thường là một nhà nào đó trong làng. Cả chủ và khách, họ bắt đầu từ những bài hát hỏi, chào mừng lẫn nhau; khi quen hơn, họ hát đối đáp; khi đã hiểu về nhau, họ mượn những bài tả cảnh để nói với nhau về tình. Những cuộc hát như vậy thường từ chiều hôm trước tới lúc gà gáy hôm sau. Sáng hôm sau, họ tiếp tục ra đường hát và từ lúc này, người ta có thể sáng tạo thêm các bài để hát chơi, trêu ghẹo nhau, gọi là Sịnh ca ý. Khi cuộc hát đã tàn, một bên nửa muốn về, nửa muốn ở lại; một bên lại muốn níu giữ nên cứ dùng dằng kẻ ở người về, lưu luyến, nhớ nhung…[5]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sình ca http://bvhttdl.gov.vn/documents/181351/512002/3634... http://www.dch.gov.vn/Upload/files/QD246(1).pdf http://www.dsvh.gov.vn/pages/news/preview.aspx?n=6... http://www.dsvh.gov.vn/pages/news/preview.aspx?n=9... http://kiemkedisan.d.webcom.vn/vi/hat-sinh-ca-A9D3... https://web.archive.org/web/20160805115431/http://... https://web.archive.org/web/20180318054402/http://... https://web.archive.org/web/20180320043928/http://... https://web.archive.org/web/20180320105423/http://... https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/...